Ùn tắc trong phân luồng, doanh nghiệp chịu thiệt

Ùn tắc trong phân luồng, doanh nghiệp chịu thiệt

Sở hữu đội xe gần 200 phương tiện, Công ty TNHH Quốc tế Delta hàng ngày thực hiện hơn 300 chuyến xe tải và trên 60 chuyến container. Tuy nhiên, theo ông Trần Đức Nghĩa, Giám đốc công ty này, thời gian qua, quá trình các địa phương áp dụng các biện pháp phòng chống dịch bệnh mỗi nơi một khác đã ảnh hưởng nhiều đến vận tải đường bộ.

“Không có cơ quan nào đứng ra lĩnh xướng biện pháp phòng dịch, dẫn tới DN gặp khó khăn ở khắp mọi nơi. Chúng tôi đang trong trạng thái kiệt quệ sau hơn một năm chịu tác động của dịch bệnh”, Ông Nghĩa nói.

Theo ông, doanh thu của công ty suy giảm, biện pháp phòng chống dịch bệnh do các địa phương đặt ra làm tăng chi phí của doanh nghiệp. Ông Nghĩa nêu ví dụ, một công ty có 150 lái xe, hằng tháng phải chi trả hơn 300 triệu đồng cho xét nghiệm các loại.

“Mức chi này quá lớn. Chốt ngoài cùng địa phận Quảng Ninh đã phải xét nghiệm rồi, vào cửa khẩu lại phải xét nghiệm lại”, ông Nghĩa cho biết.

Ông Trần Văn Hào, Tổng Giám đốc Công ty Thái Việt Trung cho biết, từ ngày bùng phát dịch COVID-19 tới nay, một số chính sách, quy định gây vướng rất nhiều cho doanh nghiệp vận tải, các địa phương áp dụng chưa thống nhất.

Trong khi đó, các quy định này có hiệu lực nhanh, doanh nghiệp không xoay xở kịp. Phản ánh với phóng viên Tiền Phong, một số doanh nghiệp vận tải cho hay, khi thực hiện đăng ký để được cấp thẻ lưu thông trong “luồng xanh” trên hệ thống phần mềm của Tổng cục Đường bộ luôn xảy ra tình trạng chậm, nghẽn mạng, bị treo máy, nên doanh nghiệp không nộp được hồ sơ.

“Chúng ta không thiếu đường để đi, Bộ GTVT phải có phương án về luồng xanh và hướng dẫn thống nhất cho xe quá cảnh, đảm bảo lưu thông thông suốt cả nước”. Ông Bùi Danh Liên, nguyên Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội