Hòa Bình đã bứt phá như thế nào để thu hút các nhà đầu tư BĐS?

Hòa Bình đã bứt phá như thế nào để thu hút các nhà đầu tư BĐS?

Kinh tế chuyển mình đón vận hội

Là một trong những địa phương nằm trong vùng phát triển kinh tế ven đô đặc biệt năng động, Hòa Bình đang có sự chuyển mình mạnh mẽ, đón đầu vận hội. Tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân hằng năm của địa phương này đạt 7,59%; năm 2020, tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh ước đạt khoảng 55.000 tỷ đồng (gấp 1,65 lần năm 2015). Cơ cấu kinh tế địa phương chuyển dịch theo hướng tích cực; GRDP bình quân đầu người đạt khoảng 63,8 triệu đồng (gấp 1,6 lần năm 2015). Tổng vốn đầu tư toàn xã hội 05 năm gần đây đạt khoảng 80.500 tỷ đồng, bình quân hằng năm bằng 35% GRDP.

Năm 2020, chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) tại Hòa Bình cũng tăng 4 bậc so với năm 2019. Tính khoảng 5 năm trở lại đây, chỉ số này đã liên tục tăng từ 57,13 điểm lên mức khá với 62,80 điểm…

Theo số liệu của UBND tỉnh, tính đến giữa tháng 6/2021, Hoà Bình có 629 dự án đầu tư sử dụng vốn ngoài ngân sách nhà nước còn hiệu lực hoạt động. Trong đó có 40 dự án FDI với tổng vốn đăng ký đầu tư khoảng 619,362 triệu USD; 589 dự án đầu tư trong nước, tổng vốn đăng ký 92.218 tỷ đồng. Có 419 dự án đầu tư vào lĩnh vực CN-XD; 142 dự án lĩnh vực dịch vụ – thương mại; 57 dự án lĩnh vực nông nghiệp và 11 dự án đầu tư các lĩnh vực xây dựng cơ sở đào tạo, văn hóa…

Bên cạnh đó, với địa thế đồi núi thấp xen kẽ các khối núi đá vôi với những hang động, không khí trong lành và nền văn hóa dân tộc bản địa đặc sắc, liền kề Hà Nội, Hòa Bình được đánh giá là hội tụ đầy đủ yếu tố để trở thành một thủ phủ nghỉ dưỡng mới của miền Bắc.

Như một “nàng công chúa ngủ quên” đang choàng tỉnh giấc, du lịch Hoà Bình ghi dấu sự tăng trưởng vượt ngưỡng 2 con số qua các năm. Theo kế hoạch, địa phương này sẽ đón 4,9 triệu lượt khách vào năm 2025 và tăng lên 7,3 triệu lượt vào năm 2030.

Những con số “biết nói” chính là thỏi nam châm hút dòng vốn đầu tư mạnh mẽ vào mảnh đất cửa ngõ Tây Bắc. Trong những năm qua, rất nhiều tập đoàn kinh tế lớn trong và ngoài nước đã đến Hòa Bình để nghiên cứu, khảo sát và đầu tư vào những lĩnh vực tiềm năng, thế mạnh như đô thị sinh thái, du lịch, công nghiệp, kỳ vọng tạo ra sự bứt phá chuyển dịch cơ cấu kinh tế mạnh mẽ.

Thị trường bất động sản bắt sóng

Năm 2017, cao tốc Hòa Lạc – Hòa Bình thông xe chính là yếu tố khởi đầu khiến các doanh nghiệp phải suy nghĩ và đổ vốn vào thị trường bất động sản Hòa Bình nhiều hơn. Theo đó, thay vì mất 2,5 tiếng từ Hà Nội theo Quốc lộ 6 thì nay đi chỉ mất hơn 1 tiếng là lên đến trung tâm thành phố hay di chuyển về các vùng giàu tiềm năng du lịch như: Mai Châu, Đà Bắc, Lương Sơn…

Chỉ tính riêng năm 2020, tổng số vốn đầu tư vào BĐS tại Hoà Bình đạt 94.000 tỷ đồng với sự “góp mặt” của các tập đoàn uy tín như: Vingroup, Tập đoàn FLC, Geleximco, Lã Vọng, Sun Group, TSG Group, Phương Đông Group…

Sở hữu vị trí liền kề Hà Nội, hệ thống giao thông huyết mạch, thuận tiện với tuyến Quốc lộ 6, đường Hồ Chí Minh đi qua… Lương Sơn được đánh giá là “tâm điểm” hút dòng đầu tư BĐS tại Hoà Bình. Trên địa bàn huyện hiện có khoảng 16 dự án nhà ở được UBND tỉnh phê duyệt triển khai, tổng diện tích khoảng 550 ha. Trong đó, phần lớn là các dự án khu dân cư mới, dự án phát triển nhà ở và khu du lịch.